A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vài nét khái quát về huyện Chi Lăng

          Huyện Chi Lăng ở vào vị trí 21020′ đến 21040′ vĩ bắc và từ 106020′ đến 106040′ kinh đông; nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng Sơn có tổng diện tích tự nhiên 70.602,09 ha. Phía Bắc giáp huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn; phía Đông giáp huyện Lộc Bình; phía Tây giáp huyện Văn Quan; phía Nam giáp huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Chi Lăng thuộc vùng đồi núi thấp của tỉnh Lạng Sơn, có địa hình khá phức tạp, trong đó núi đá và rừng chiếm 83,3% diện tích.

Huyện Chi Lăng nằm trọn trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nhiệt độ trung bình năm khoảng 21,5ºC, lượng mưa trung bình trên 1400 mm. Tổng lượng nhiệt/năm khoảng 7700o C. Gió mùa đông bắc ảnh hưởng từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm thường có những đợt gió tây khô nóng có thể gây hạn kéo dài. Thời gian mưa nhiều nhất trong huyện từ tháng 7 đến tháng 9. Do cấu tạo địa hình tự nhiên với nhiều dãy núi khá khép kín nên Chi Lăng ít chịu ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, do có nhiều triền dãy núi đá cao thẳng đứng, nên cũng thường xuất hiện mưa đá và lốc gây không ít thiệt hại bất thường cho sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân

Chi Lăng có nhiều kiểu rừng khác nhau, với nhều loại gỗ quý như lát, đinh, lim, sến, táu … và đặc biệt nghiến chiếm số lượng lớn hơn cả. Đặc sản rừng có hoàng đàn, sa nhân, cam thảo, hà thủ ô… Dưới lòng đất Chi Lăng có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng …

Nguồn nước tự nhiên ở Chi Lăng khá dồi dào, đặc biệt có dòng sông Thương chảy từ phía Đông Bắc xuống hướng Nam huyện Chi Lăng, là nguồn nước lớn phục vụ cho canh tác sản xuất, sinh hoạt của nhân dân các dân tộc thuộc các xã Bắc Thủy, Nhân Lý, Mai Sao, Quang Lang, Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng.

Ngoài ra, ở khắp nơi trong huyện đều có hệ thống các con suối lớn, nhỏ chảy quanh qua các triền đồi, khe núi, ven các bản làng, chân ruộng là nguồn nước thường xuyên rất thuận lợi cho canh tác và đời sống của nhân dân các dân tộc ở từng vùng khác nhau…. Một số xã vùng núi đá thì khan hiếm nước hơn vì ít khe, suối.

Toàn cảnh thị trấn Đồng Mỏ (Nguồn: Thuận Bùi)

Huyện Chi Lăng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tỷ giá và giá vàng