Hòn đá mổ lợn - linh địa vùng biên ải
HÒN ĐÁ MỔ LỢN - LINH ĐỊA VÙNG BIÊN ẢI
HÒN ĐÁ MỔ LỢN - LINH ĐỊA VÙNG BIÊN ẢI
“Ải Chi Lăng, Ải Chi Lăng
Lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Gập ghềnh lũng thấp đồi cao
Vũng lầy thành ruộng đã bao nhiêu mùa…”
Câu thơ ấy đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến thắng vẻ vang, hào hùng. Mỗi ngọn núi, mỗi thành lũy tại Chi Lăng, ghi dấu chiến công oanh liệt đang được người dân gìn giữ và phát huy để nơi đây mãi là niềm tự hào của dân tộc. Khu di tích lịch sử Chi Lăng thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được mệnh danh là “bảo tàng quân sự lớn ngoài trời”, là nỗi khiếp sợ của giặc phương Bắc năm xưa.
Trong 46 điểm di tích của Quần thể Ải Chi Lăng, Hòn đá mổ lợn là một di tích có cái tên ấn tượng, một nơi ít người biết đến, nằm sâu trong rừng đại ngàn gắn liền với những câu chuyện bí ẩn năm xưa.
Từ Ải Chi Lăng nhìn lên, dãy núi Mổ lợn trông giống như hình dáng một con hổ nằm phục nhìn về lòng Ải để canh giữ, bảo vệ sự bình yên cho nơi đây. Đứng trên đỉnh cao nhất của dãy núi Mổ lợn, ta có thể quan sát được toàn cảnh của lòng chảo Chi Lăng và một vùng rộng lớn các khu vực xung quanh.
Phỏng vấn Ông Triệu Quang Sơn – thôn Làng Cằng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn: Khu mổ lợn là các cụ vào đấy để tránh tai mắt của địch, khi mình đốt lò ở trong đó thì sẽ tránh được ánh khói. Mổ lợn để lấy lương thực nuôi quân, nuôi các cán bộ thời đánh Pháp và trước đó từ xa xưa. Đá đấy ngày xưa rất phẳng, nước chảy rất to. Cái khu đá mổ lợn có nhiều cây rất mát, nhiều cây hoa rất đẹp, có nhiều cây cổ thụ râm um tùm che hết. Nước chảy rào rào, các ông bà anh chị khi đi làm về chỉ muốn ngồi ở đấy thôi vì nó rất là mát, mà nhiều cây đẹp lắm.
Men theo lời chỉ dẫn của người dân ở thôn Làng Cằng, xã Chi Lăng, chúng tôi băng qua những đồi na bạt ngàn, ghì chặt tay lái, đi theo con đường nhỏ quanh co lên núi. Đến lưng chừng sườn núi Tây Nam của dãy núi Mổ lợn, có một tảng đá tự nhiên nằm ở giữa lòng suối nơi khuất nẻo, đây chính di tích Hòn đá mổ lợn.
Tại đây, có khe nước ngầm chảy ra từ lòng núi với mạch nước trong vắt quanh năm, địa thế xung quanh tương đối bằng phẳng là địa điểm lý tưởng để lập doanh trại bí mật của nghĩa quân ta trong việc mai phục, đón đánh quân xâm lược phương bắc khi hành quân qua Ải Chi Lăng.
Tương truyền rằng, khu vực này xưa kia sau những giờ tập luyện võ nghệ trên núi nghĩa quân của Lê Hoàn, Lê Lợi và các dân bản ở vùng này thường xuống đây nghỉ ngơi, ăn uống. Dần dần khu vực này trở thành nơi cấp dưỡng của nghĩa quân và hòn đá được dùng vào việc chuyên làm bàn mổ lợn của nghĩa quân đóng ở Chi Lăng qua nhiều thời kỳ nên có tên gọi là Hòn đá mổ lợn. Ngay sát hòn đá là một cây cổ thụ khoảng trên 100 năm tuổi xoè tán xum xuê. Đây là di tích liên quan đến hoạt động, sinh hoạt của nghĩa quân khi trấn ải ở khu vực Chi Lăng.
Phỏng vấn Bà Ấu Thị Nga Sơn - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn: Có 1 điểm di tích có tên rất ấn tượng là hòn đá mổ lợn. Trước đây nó nằm rất sâu trong vùng đại ngàn, là nơi trú quân, tập hợp quân và chăm sóc quân các nghĩa sĩ trước và sau khi ra trận.
Đối với nghĩa quân trước khi ra trận: thì các tướng lĩnh có tổ chức các buổi khao quân động viên cả về tinh thần và về mặt vật chất khỏe mạnh để có tinh thần ý chí quyết tâm để đánh giặc
Sau khi chiến thắng trở về: thì nơi đây cũng là nơi tổ chức khao quân để tôn vinh, động viên, khích lệ tinh thần tướng sĩ đã tham gia trong trận chiến giành thắng lợi như vậy.
Núi mổ lợn cũng là nơi giúp cha ông ta thực hiện nghệ thuật quân sự tài tình, linh hoạt và đầy sáng tạo. Lợi dụng địa hình hiểm trở bằng cách đặt mai phục, đánh bất ngờ qua nhiều triều đại. Đặc biệt là chiến lược quân sự đặc sắc của Lê Lợi, và nghĩa quân Lam Sơn trong chiến thắng Chi Lăng năm 1427. Đó là tư tưởng “làm một được hai” nhằm tiêu diệt quân địch đến mức cao nhất, nhưng đồng thời giảm tổn thất về phía ta đến mức thấp nhất, giúp nghĩa quân Lam Sơn có thể “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”.
Xóm làng bình yên, người dân ngày ngày băng qua những ngọn núi để lao động, thu hoạch nông sản. Đó là hình ảnh ngày nay của Hòn đá mổ lợn lừng lẫy một thời. Quanh hòn đá là những vườn na kết tinh từ chất đất đặc biệt để tạo nên thứ đặc sản nổi tiếng của quê hương mang vị ngọt của núi. Từ bao đời nay, người dân vẫn an cư sống không tách rời trong lõi của di tích, coi di tích như một phần linh thiêng, quen thuộc của gia đình, quê hương.
Phỏng vấn Bà Nguyễn Thị Quyên - người dân thôn Làng Cằng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng: Ở làng cô vẫn lấy nước này ra để giặt và ăn uống, nước rất sạch và rất mát. Ngày trước cả làng 5h sáng dậy đi làm cùng nhau, đến trưa là lấy nước này sinh hoạt ăn uống bình thường, xong tối là cả làng cùng nhau về. Cô dùng để gội đầu nó rất mượt, nước tự nhiên từ trong núi ra không có tí đá vôi nào, uống cũng rất ngon.
Với vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dân tộc, hòn đá mổ lợn và các di tích khác trong quần thể Khu di tích lịch sử Chi Lăng đã cùng nhân dân viết nên những trang sử chói lọi, thể hiện nghệ thuật quân sự điêu luyện và tài thao lược kiệt xuất của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh giữ nước. Hôm nay, đứng trong lòng di tích Hòn đá mổ lợn, giữa không gian núi rừng bình yên. Nhưng ắt hẳn trong lòng mỗi người khi đến đây đều văng vẳng tiếng vó ngựa năm xưa, tiếng trống hội quân, dâng lên niềm tự hào và thiêng liêng của một thời hào khí Đông A.